English    Japanese

 :: 27 July 2024   ..:: Hỏi đáp ::.. Đăng nhập 

HỎI ĐÁP

 

NỀN TẢNG

Câu hỏi 1.

Hỏi: Trọng Tài là gì ?

Đáp: Trọng Tài là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại được tiến hành theo trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Việc giải quyết tranh chấp được tiến hành bởi Hội đồng Trọng Tài thuộc một Trung tâm Trọng Tài nhất định hoặc bởi Hội đồng Trọng Tài do các bên thành lập tùy thuộc vào quyền lựa chọn của các bên.

 

Câu hỏi 2.

Hỏi: Trọng Tài và Hòa Giải khác nhau như thế nào ?

Đáp: Đối với Trọng Tài, Trọng Tài viên giải quyết vụ tranh chấp và ra phán quyết Trọng Tài, phán quyết Trọng Tài là chung thẩm, nghĩa là một khi phán quyết Trọng Tài được tuyên sẽ có giá trị ràng buộc các bên cho dù các bên đồng ý hay không và phán quyết Trọng Tài không bị kháng cáo, kháng nghị.

Đối với Hòa Giải, Hòa Giải viên không quyết định vụ tranh chấp mà có vai trò giúp các bên giải quyết tranh chấp thông qua một quá trình thương lượng và thu hẹp những bất đồng. Hòa Giải viên sẽ giúp các bên đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, khác với phán quyết Trọng Tài, thỏa thuận đối với các bên không mang tính ràng buộc. Trong trường hợp một bên không tự nguyện thực hiện thỏa thuận hòa giải, bên kia có thể khởi kiện ra Trọng Tài hoặc Tòa án tùy theo thỏa thuận của các bên.

 

Câu hỏi 3.

Hỏi: Trọng Tài và ý kiến chuyên viên khác nhau như thế nào?

Đáp: Ý kiến chuyên viên thường dùng để giải quyết các tranh chấp về một vấn đề kỷ thuật hẹp (như giá trị của một công ty hoặc một tài sản). Trong Trọng Tài, ý kiến của chuyên viên thường có giá trị ràng buộc đối với các bên. Còn ý kiến của Trọng Tài viên thường rộng hơn: để giải quyết các tranh chấp thương mại theo pháp luật và theo tập quán thương mại.

 

 

Câu hỏi 4.

Hỏi: Tố tụng Trọng Tài và tố tụng Tòa án khác nhau như thế nào?

Đáp: Tố tụng Trọng Tài thường do một Trọng Tài viên hoặc ba Trọng Tài viên xét xử không công khai, còn tố tụng Tòa án thường do một thẩm phán hai hội thẩm xét xử công khai. Tố tụng Trọng Tài thường ít nặng về hình thức và không có các hạn chế đối với những người đại diện cho các bên.

 

Câu hỏi 5.

Hỏi: Những ưu điểm chính của Trọng Tài là gì?

Đáp: Các bên tranh chấp ở các nước khác nhau có thể chỉ định một Hội đồng Trọng Tài gồm những Trọng Tài viên độc lập, họ có thể là những chuyên gia trong lãnh vực liên quan. Trọng Tài tiến hành xét xử không công khai và bảo đảm bí mật. Thủ tục Trọng Tài linh động, giải quyết tranh chấp nhanh chóng và chi phí thấp hơn chi phí Tòa án. Phán quyết Trọng Tài được thi hành về mặt Quốc tế dễ dàng hơn so với các bản án của Tòa án.

 

Câu hỏi 6.

Hỏi: Những hạn chế của Trọng Tài là gì ?

Đáp: Do Trọng Tài dựa trên thỏa thuận của các bên, nên về nguyên tắc Trọng Tài viên không có quyền đưa ra những mệnh lệnh tác động đến các bên không phải là các bên tranh chấp đối với thỏa thuận Trọng Tài. Khác với các Tòa án, các Trọng Tài viên không có quyền bắt buộc các nhân chứng đến làm chứng hoặc cung cấp tài liệu, yêu cầu những bên thứ ba tham gia các tố tụng Trọng Tài, hoặc ra những phán quyết yêu cầu một bên thứ ba làm (hoặc không làm) một việc gì.

 

Câu hỏi 7.

Hỏi: Trọng Tài quy chế là gì?

Đáp: Trọng Tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm Trọng Tài và theo quy tắc tố tụng Trọng Tài của Trung tâm Trọng Tài đó, như Trung tâm Trọng Tài quốc tế Hồng Kông "(HKIAC)", Trung tâm Trọng Tài quốc tế Singapore ("SIAC"), Trung tâm Trọng Tài

khu vực Kuala Lumpur ("KLRCA"), Phòng Thương Mại Quốc Tế ("ICC"), Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế Luân Đôn ("LCIA"). Các Trung tâm Trọng Tài trên tiến hành xét xử theo các quy tắc tố tụng do các Trung tâm Trọng Tài đó ban hành.

 

Câu hỏi 8.

Hỏi: Trọng Tài vụ việc ("ad hoc") là gì?

Đáp: Trọng Tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận. Các bên có thể chấp nhận một quy tắc tố tụng Trọng Tài đã có sẵn (như quy tắc tố Tụng Trọng tài UNCITRAL) hoặc đôi khi các bên có thể tiến hành giải quyết tranh chấp theo quy tắc tố tụng Trọng Tài mà họ dự thảo và thông qua.

 

Câu hỏi 9.

Hỏi: Ưu điểm của Trọng Tài quy chế là gì?

Đáp: Ưu điểm của Trọng Tài quy chế là bảo đảm các thủ tục tố tụng được tiến hành một cách ổn định. Các Trung tâm Trọng Tài có thể thực hiện một mức độ về "kiểm tra chất lượng" đối với các Trọng Tài viên và các phán quyết Trọng Tài. Chấp nhận một quy tắc Trọng Tài đã có sẵn sẽ tránh được cho các Trọng Tài viên đi theo "vết xe cũ" trong việc áp dụng các thủ tục tố tụng phù hợp.

 

Câu hỏi 10.

Hỏi: Ưu điểm của Trọng Tài vụ việc ("ad hoc") là gì?

Đáp: Trọng Tài vụ việc chi phí thấp hơn nhiều do không phải trả chi phí quản lý cho một Trung tâm Trọng Tài. Về nguyên tắc Trọng Tài vụ việc có thể đưa ra những quy tắc tố tụng và những thủ tục tố tụng phù hợp với những tranh chấp của các bên.

 

Câu hỏi 11.

Hỏi: Phải chăng tố tụng Trọng Tài ít tốn kém hơn tố tụng Tòa án?

Đáp: Phí Trọng Tài chủ yếu tùy thuộc vào phí phải trả cho Trung tâm Trọng Tài và các Trọng Tài viên xét xử. Bởi vì tố tụng Trọng Tài rất linh động và không cần câu nệ hình thức nên việc xét xử của Trọng Tài có thể ít tốn kém hơn tố tụng Tòa án. Nhưng nếu các bên đối kháng nhau quyết liệt thì tố tụng Trọng Tài có thể tốn kém như tố tụng Tòa án.

 

Câu hỏi 12.

Hỏi: Phải chăng thủ tục tố tụng Trọng Tài nhanh hơn thủ tục Tòa án?

Đáp: Do tính chất linh hoạt của tố tụng Trọng Tài nên việc xét xử của Trọng Tài thường nhanh hơn việc xét xử của Tòa án rất nhiều. Việc các bên không được kháng cáo phán quyết Trọng Tài đã làm cho việc xét xử của Trọng Tài ngắn hơn việc xét xử của Tòa án không chỉ nhiều tháng mà nhiều năm.

 

Câu hỏi 13.

Hỏi: Phải chăng các quyết định của các Trọng Tài viên tạo ra án lệ?

Đáp: Trọng Tài xét xử không công khai và bảo đảm bí mật, các bên về nguyên tắc không được tiết lộ kết quả phiên xử Trọng Tài trừ những trường hợp nhất định. Nên Trọng Tài có thể không phải là nơi lý tưởng mà một bên hy vọng xây dựng được một án lệ trong một trường hợp bên đó muốn sử dụng để chống lại các bên khác trong tương lai.

 

Câu hỏi 14.

Hỏi: Những phán quyết Trọng Tài không bị kháng cáo? Nhưng có bị kháng nghị không?

Đáp: Các phán quyết Trọng Tài là chung thẩm, chẳng những các bên không được kháng cáo mà các phán quyết Trọng Tài còn không bị kháng nghị.

 

TRỌNG TÀI TẠI TP. HỒ CHÍ MINH VÀ VIỆT NAM

Câu hỏi 15.

Hỏi: Phải chăng giải quyết tranh chấp thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam rất thuận lợi?

Đáp: Bởi vì thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm giao dịch thương mại quốc tế của cả nước và của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Ở đây có sẵn một đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, giáo sư, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực và Việt Nam đã có một hệ thống luật pháp Trọng Tài thân thiện. Nên giải quyết tranh chấp thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam rất thuận lợi.

Mặc dù PIAC đặt trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng Hội đồng Trọng Tài của PIAC có thể tiến hành xét xử tại Hà Nội và các thành phố khác.

 

Câu hỏi 16.

Hỏi: Triển vọng giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng Tài tại Việt Nam như thế nào?

Đáp: Việt Nam càng hội nhập sâu với khu vực và thế giới, xây dựng nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, khẳng định kinh tế tư nhân là động lực phát triển của đất nước, giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng Tài chắc chắn sẽ là một xu thế mạnh mẽ.

 

Câu hỏi 17.

Hỏi: Lịch sử, cơ cấu tổ chức và vai trò của Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Thái Bình Dương (“PIAC”) như thế nào?

Đáp: Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Thái Bình Dương (“PIAC”) thành lập theo Giấy phép số 01/TP-GP ngày 28/8/2006 của Bộ Tư Pháp.

PIAC được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nhân về một định chế giải quyết tranh chấp đáng tin cậy, hiệu quả, công bằng và độc lập tại Việt Nam.

Ban Điều Hành gồm 05 thành viên là các luật sư, giáo sư, doanh nhân đang có uy tín trong nước và Quốc tế.

 

Câu hỏi 18.

Hỏi: Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Thái Bình Dương (“PIAC”) có Quy Tắc Tố Tụng Trọng Tài riêng?

Đáp: Quy Tắc Tố Tụng Trọng Tài tại Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Thái Bình Dương (“PIAC”) gồm 35 điều có hiệu lực từ ngày 01/06/2014.

Quy Tắc Tố Tụng Trọng Tài của Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Thái Bình Dương (“Quy tắc”) được áp dụng để giải quyết các vụ tranh chấp tại Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Thái Bình Dương.

Quy tắc này được áp dụng để giải quyết các vụ tranh chấp có tố tụng Trọng Tài bắt đầu từ ngày 01/06/2014, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

 

Câu hỏi 19.

Hỏi: Chức năng của Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Thái Bình Dương (“PIAC”) là gì?

Đáp: Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Thái Bình Dương (“PIAC”) có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp tại Trung Tâm và hỗ trợ Trọng Tài viên về mặt hành chánh, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng Trọng Tài.

 

Câu hỏi 20.

Hỏi: Hồ sơ các vụ tranh chấp do Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Thái Bình Dương (“PIAC”) thụ lý, giải quyết được quản lý và lưu trữ ở đâu?

Đáp: Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Thái Bình Dương (“PIAC”) có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ các vụ tranh chấp do Trung Tâm thụ lý, giải quyết và cung cấp các bản sao Phán Quyết Trọng Tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Câu hỏi 21.

Hỏi: Các phiên xử Trọng Tài có bắt buộc phải xét xử tại thành phố Hồ Chí Minh?

Đáp: Các phiên xử Trọng Tài của PIAC có thể xét xử bất cứ nơi nào mà thuận tiện cho các bên tranh chấp và các Trọng Tài viên mặc dầu thành phố Hồ Chí Minh là địa điểm giải quyết tranh chấp.

 

Câu hỏi 22.

Hỏi: Các vụ tranh chấp do PIAC thụ lý, giải quyết có thể xét xử tại Singapore, Kuala Lumpur, Hong Kong?

Đáp: Dựa trên sự thỏa thuận của các bên phiên xử Trọng Tài có thể xét xử tại Singapore, Kuala Lumpur, Hong Kong,

 

Câu hỏi 23.

Hỏi: Liệu PIAC có sẵn sàng hỗ trợ về mặt hành chánh và các dịch vụ khác để các vụ tranh chấp do SIAC, KLRCA, HKIAC thụ lý, giải quyết xét xử tại thành phố Hồ Chí Minh?

Đáp: PIAC sẵn sàng hỗ trợ các dịch vụ cần thiết để SIAC, KLRCA, HKIAC tiến hành các phiên xử Trọng Tài tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

Câu hỏi 24.

Hỏi: Có thể tìm thêm thông tin về PIAC ở đâu?

Đáp: Trên website: www.piac.vn có thể tim thấy đầy đủ các thông tin cần thiết về PIAC.

 

LUẬT TỐ TỤNG VÀ CÁC QUY TẮC TỐ TỤNG

Câu hỏi 25.

Hỏi: Luật và các Quy tắc tố tụng Trọng Tài nào được áp dụng để giải quyết các tranh chấp tại PIAC?

Đáp: Luật Trọng Tài Thương Mại ngày 29 tháng 6 năm 2010 và Quy tắc tố tụng Trọng Tài PIAC được áp dụng để giải quyết các tranh chấp.

Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 cung cấp khung pháp lý cơ bản và Quy tắc tố tụng Trọng Tài PIAC quy định những thủ tục trọng tài cụ thể để giải quyết các tranh chấp.

 

Câu hỏi 26.

Hỏi: Thủ tục tố tụng Trọng Tài giải quyết các tranh chấp trong nước và các tranh chấp Quốc tế có gì khác nhau không?

Đáp: Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 và Quy tắc tố tụng Trọng Tài PIAC được áp dụng để giải quyết các tranh chấp trong nước và các tranh chấp Quốc tế.

Câu hỏi 27.

Hỏi: Các tranh chấp thương mại Quốc tế là gì?

Đáp: Các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài hoặc một bên là công ty nước ngoài hoặc người nước ngoài được coi là những tranh chấp thương mại Quốc tế.

 

Câu hỏi 28.

Hỏi: Luật Trọng Tài Thương mại 2010 đã tạo những thuận lợi như thế nào cho việc giải quyết các tranh chấp nhất là các tranh chấp Quốc tế.

Đáp: Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp thương mại Quốc tế như người nước ngoài có thể trở thành Trọng Tài viên, các bên có thể lựa chọn ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng Trọng Tài, địa điểm xét xử Trọng Tài ngoài lãnh thổ Việt Nam.

 

Câu hỏi 29.

Hỏi: Luật Mẫu UNCITRAL là gì?

Đáp: Luật Mẫu UNCITRAL được Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương Mại Quốc tế ban hành năm 1985 cung cấp cho các quốc gia một khuôn mẫu về các chế độ Trọng Tài hiệu quả và toàn diện với sự giới hạn phạm vi can thiệp của các Tòa án địa phương đối với quá trình tố tụng Trọng Tài.

Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 đã chấp nhận những nguyên tắc và nội dung cơ bản của Luật Mẫu UNCITRAL.

 

Câu hỏi 30.

Hỏi: Quy tắc tố tụng Trọng Tài UNCITRAL là gì?

Đáp: Quy tắc tố tụng Trọng Tài UNCITRAL được Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương Mại Quốc tế thông qua năm 1976, cung cấp một bản quy tắc tố tụng phù hợp để áp dụng trong tố tụng Trọng Tài Thương Mại Quốc tế, và quy tắc tố tụng này được khuyến nghị áp dụng tại nhiều Quốc gia.

 

 

THỎA THUẬN TRỌNG TÀI

Câu hỏi 31.

Hỏi: Cần thiết phải có thỏa thuận Trọng Tài?

Đáp: Đúng vậy. Trọng Tài là một quá trình thỏa thuận, một Trọng Tài viên không có quyền giải quyết tranh chấp trừ phi các bên thỏa thuận điều này và các nội dung của thỏa thuận Trọng Tài phải phù hợp với sự đồng ý của các bên.

Các bên có thể thỏa thuận giải quyết bằng Trọng Tài trước khi một tranh chấp phát sinh (thông thường nhất là bằng một điều khoản Trọng Tài trong một hợp đồng) hoặc sau khi đã phát sinh một tranh chấp.

 

Câu hỏi 32.

Hỏi: Một thỏa thuận Trọng Tài có tác dụng gì?

Đáp: Thỏa thuận Trọng Tài cung cấp cơ sở đối với thẩm quyền xét xử của một Trọng Tài viên. Một Trọng Tài viên không thể giải quyết tranh chấp nếu không có một thỏa thuận Trọng Tài.

 

Câu hỏi 33.

Hỏi: Hình thức thỏa thuận Trọng Tài như thế nào?

Đáp: Thỏa thuận Trọng Tài có thể xác lập dưới hình thức điều khoản Trọng Tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.

 

Câu hỏi 34.

Hỏi: Thỏa thuận Trọng Tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Ngoài điều khoản Trọng Tài trong hợp đồng và thỏa thuận Trọng Tài riêng những hình thức thỏa thuận nào cũng được coi là được xác lập dưới dạng văn bản.

Đáp: Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới hình thức văn bản:

1. Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo qui định của pháp luật.

2. Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên.

3. Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức

có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên.

4. Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể thỏa thuận Trọng Tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác…

5. Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó có thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận Trọng Tài do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

 

Câu hỏi 35.

Hỏi: Vụ tranh chấp mà các bên đã có thỏa thuận Trọng Tài, Tòa án có quyền thụ lý, xét xử không?

Đáp: Vụ tranh chấp mà các bên đã có thỏa thuận Trọng Tài, Tòa án phải từ chối thụ lý giải quyết. Trường hợp một bên đã nộp đơn khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp Tòa án đang thụ lý, xét xử vụ tranh chấp thì Tòa án phải ra quyết định đình chỉ xét xử.

 

Câu hỏi 36.

Hỏi: Trường hợp các bên đã có thỏa thuận Trọng Tài nhưng không xác định Trung Tâm Trọng Tài nào, nếu một bên khởi kiện tại PIAC, PIAC thụ lý giải quyết không?

Đáp: PIAC sẽ đề nghị các bên thỏa thuận lại, nếu các bên đồng ý nhờ PIAC giải quyết vụ tranh chấp, PIAC sẽ thụ lý giải quyết. Nếu các bên không thỏa thuận được, nhưng nguyên đơn chọn PIAC thì PIAC sẽ thụ lý, giải quyết vụ tranh chấp theo yêu cầu của nguyên đơn.

 

Câu hỏi 37.

Hỏi: Những trường hợp nào thỏa thuận Trọng Tài vô hiệu?

Đáp: Thỏa thuận Trọng Tài vô hiệu trong các trường hợp sau:

1. Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng Tài (Điều 2 Luật Trọng Tài Thương Mại năm 2010).

2. Người xác lập thỏa thuận Trọng Tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Người xác lập thỏa thuận Trọng Tài không có năng lực hành vi theo qui định của Bộ Luật Dân Sự.

4. Hình thức của thỏa thuận Trọng Tài không phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Một trong các bên bị lừa dối, cưỡng ép trong quá trình xác lập thỏa thuận Trọng Tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận Trọng Tài đó là vô hiệu.

 

Câu hỏi 38.

Hỏi: Vậy những yêu cầu của một thỏa thuận Trọng Tài có giá trị là gì?

Đáp: Một thỏa thuận Trọng Tài là một thỏa thuận của các bên về việc giải quyết tranh chấp phát sinh hoặc sẽ phát sinh giữa hai bên bằng Trọng Tài. Thỏa thuận này phải lập bằng văn bản hoặc các hình thức thỏa thuận được coi là xác lập dưới hình thức văn bản. Ở đây không nhất thiết là một thỏa thuận Trọng Tài phải có chữ ký của các bên nhưng phải xác định được có sự đồng ý của họ.

 

Câu hỏi 39.

Hỏi: Những nội dung trong một thỏa thuận Trọng Tài là gì?

Đáp: Những nội dung quan trọng trong một thỏa thuận Trọng Tài là địa điểm giải quyết tranh chấp, quy tắc tố tụng Trọng Tài được áp dụng, số lượng Trọng Tài viên và cách chỉ định họ, và ngôn ngữ được sử dụng trong tố tụng Trọng Tài.

 

Câu hỏi 40.

Hỏi: Nên xác định trong thỏa thuận Trọng Tài là một hay ba Trọng Tài viên?

Đáp: Có những yếu tố được cân nhắc. Hội đồng Trọng Tài gồm ba Trọng Tài viên thì phí Trọng Tài sẽ cao hơn. Hội đồng Trọng Tài gồm ba Trọng Tài viên phù hợp đối với vụ tranh chấp phức tạp hoặc tranh chấp về kỹ thuật và những trường hợp các bên tranh chấp đến từ những Quốc gia có hệ thống pháp luật và tập quán thương mại khác nhau.

 

Câu hỏi 41.

Hỏi: Nên chọn ngôn ngữ nào để xử dụng trong tố tụng Trọng Tài?

Đáp: Về nguyên tắc các bên được tự do lựa chọn ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng Trọng Tài.

Tuy nhiên các bên yêu cầu cân nhắc ngôn ngữ mà các bên đang xử dụng, ngôn ngữ trong các hợp đồng và trong các tài liệu chứng cứ và việc lựa chọn ngôn ngữ xử dụng trong tố tụng Trọng Tài sẽ tác động đến việc lựa chọn Trọng Tài viên.

Bởi vì nếu chọn ngôn ngữ tiếng Anh xử dụng trong tố tụng Trọng Tài thì không thể chỉ định một Trọng Tài viên không biết tiếng Anh được.

 

Câu hỏi 42.

Hỏi: Hợp đồng vô hiệu có làm cho điều khoản trọng tài trong hợp đồng vô hiệu không?

Đáp: Không. Bởi thỏa thuận Trọng Tài hoàn toàn độc lập nên hợp đồng vô hiệu không làm mất hiệu lực của điều khoản Trọng Tài.

 

Câu hỏi 43.

Hỏi: Địa điểm giải quyết tranh chấp quan trọng như thế nào?

Đáp: Địa điểm giải quyết tranh chấp có hai hậu quả pháp lý quan trọng:

Thứ nhất: xác định luật về thẩm quyền xét xử của Trọng Tài áp dụng trong tố tụng và tòa án nào được thực hiện sự hỗ trợ và quyền giám sát đối với Trọng Tài.

Thứ hai: nếu địa điểm giải quyết trên lãnh thổ Việt Nam thì phán quyết phải được coi là tuyên tại Việt Nam mà không phụ thuộc vào nơi Hội đồng Trọng Tài tiến hành phiên xét xử Trọng Tài ra phán quyết đó.

 

Câu hỏi 44.

Hỏi: Những phiên xử Trọng Tài có thể tiến hành ngoài địa điểm giải quyết tranh chấp?

Đáp: Các phiên xử Trọng Tài có thể tiến hành ngoài địa điểm giải quyết tranh chấp thậm chí tại Singapore, Kuala Lumpur, Hồng Kông không ảnh hưởng gì đến vị trí của thành phố Hồ Chí Minh là địa điểm giải quyết tranh chấp.

 

LUẬT PHÁP ÁP DỤNG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Câu hỏi 45.

Hỏi: Nếu một hợp đồng quy định tranh chấp giải quyết bằng Trọng Tài thành phố Hồ Chí Minh, luật điều chỉnh hợp đồng đó phải là luật Việt Nam?

Đáp: Không. Luật điều chỉnh hợp đồng không cần thiết phải theo địa điểm giải quyết tranh chấp.

 

Câu hỏi 46.

Hỏi: Hội đồng Trọng Tài sẽ áp dụng luật Việt Nam hay luật điều chỉnh hợp đồng?

Đáp: Hội đồng Trọng Tài sẽ áp dụng luật điều chỉnh hợp đồng để xác định những vấn đề quan trọng trong yêu cầu khởi kiện đối với hợp đồng (Tuy nhiên các vấn đề tố tụng luật áp dụng là Luật Trọng Tài Thương Mại 2010)

Nếu hợp đồng được điều chỉnh bởi luật nước ngoài và Hội đồng Trọng Tài không có kiến thức về hệ thống luật pháp đó, các bên sẽ được yêu cầu cung cấp những nguyên tắc có thể áp dụng của luật nước ngoài.

 

Câu hỏi 47.

Hỏi: Trường hợp hợp đồng không xác định luật điều chỉnh thì sẽ áp dụng pháp luật nào?

Đáp: Nếu hợp đồng không xác định luật điều chỉnh, Hội đồng Trọng Tài phải xác định và quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng Trọng Tài cho là phù hợp nhất.

 

THỜI ĐIỂM BẮT ĐẦU TỐ TỤNG TRỌNG TÀI

Câu hỏi 48.

Hỏi: Trường hợp tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm Trọng Tài thì tố tụng Trọng Tài bắt đầu từ lúc nào?

Đáp: Trường hợp tranh chấp được giải quyết tại Trung Tâm Trọng Tài, nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì thời điểm bắt đầu tố tụng Trọng Tài được tính từ khi Trung Tâm Trọng Tài nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Câu hỏi 49.

Hỏi: Trường hợp tranh chấp được giải quyết bằng Trọng Tài vụ việc thì tố tụng Trọng Tài bắt đầu từ lúc nào?

Đáp: Trường hợp tranh chấp được giải quyết bằng Trọng Tài vụ việc thì thời điểm bắt đầu tố tụng Trọng Tài được tính từ khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.

 

CHỈ ĐỊNH HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI

Câu hỏi 50.

Hỏi: Hội đồng Trọng Tài có bao nhiêu Trọng Tài viên?

Đáp: Hội đồng Trọng Tài thông thường gồm một hoặc ba Trọng Tài viên.

 

Câu hỏi 51.

Hỏi: Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được số lượng Trọng Tài viên thì ai sẽ là người quyết định?

Đáp: Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được số lượng Trọng Tài viên thì Trung Tâm Trọng Tài sẽ quyết định Hội đồng Trọng Tài gồm một Trọng Tài viên hoặc ba Trọng Tài viên.

 

Câu hỏi 52.

Hỏi: Các Trọng Tài viên được chỉ định như thế nào?

Đáp: Trọng Tài viên duy nhất thường được chỉ định thông qua sự thỏa thuận hoặc bởi một bên thứ ba độc lập. Trường hợp Hội đồng Trọng Tài gồm ba Trọng Tài viên thì mỗi bên chọn một Trọng Tài viên và hai Trọng Tài viên được chọn sẽ thỏa thuận bầu một Trọng Tài viên thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng Trọng Tài.

 

Câu hỏi 53.

Hỏi: Nếu một bên không chọn được hoặc không chọn một Trọng Tài viên thì ai sẽ chỉ định Trọng Tài viên cho bên đó?

Đáp: Chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài.

 

Câu hỏi 54.

Hỏi: Các bên có thể chọn Trọng Tài viên ở đâu?

Đáp: PIAC có hai danh sách Trọng Tài viên: Danh sách Trọng Tài viên trong nước và DAnh sách Trọng Tài viên Quốc tế được khuyến nghị, các bên tự do lựa chọn Trọng Tài viên trên hai danh sách đó.

 

Câu hỏi 55.

Hỏi: Những trường hợp nào phải thay đổi Trọng Tài viên?

Đáp: Trọng Tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng Tài viên giải quyết tranh chấp trong các trường hợp sau:

a). Trọng Tài viên là người thân thiết hoặc là người đại diện của một bên

b). Trọng Tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp

c). Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng Tài viên không vô tư, khách quan

d). Đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất cứ bên nào trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết Trọng Tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản.

 

Câu hỏi 56.

Hỏi: Khi Hội đồng Trọng Tài chưa được thành lập thì ai quyết định việc thay đổi Trọng Tài viên?

Đáp: Khi Hội đồng Trọng Tài chưa được thành lập thì Chủ tịch Trung tâm Trọng Tài quyết định việc thay đổi Trọng Tài viên.

 

 

 

Câu hỏi 57.

Hỏi: Trường hợp Hội đồng Trọng Tài đã được thành lập thì ai quyết định việc thay đổi Trọng Tài viên?

Đáp: Trường hợp Hội đồng Trọng Tài đã được thành lập thì việc thay đổi Trọng Tài viên do các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng Tài quyết .

 

Câu hỏi 58.

Hỏi: Đối với vụ tranh chấp do Hội đồng Trọng Tài vụ việc giải quyết tranh chấp thì ai quyết định việc thay đổi Trọng Tài viên?

Đáp: Đối với vụ tranh chấp do Hội đồng Trọng Tài vụ việc giải quyết tranh chấp thì việc thay đổi Trọng Tài viên do các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng Tài quyết định.

 

TỐ TỤNG TRỌNG TÀI

Câu hỏi 59.

Hỏi: Quyền và nghĩa vụ của Trọng Tài viên là gì?

Đáp: Trọng Tài viên có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Chấp nhận hoặc từ chối giải quyết tranh chấp.

2. Độc lập trong việc giải quyết tranh chấp.

3. Từ chối cung cấp các thông tin liên quan đến vụ tranh chấp

4. Được hưởng thù lao

5. Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

 

Câu hỏi 60.

Hỏi: Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng Trọng Tài phải xem xét những vấn đề gì?

Đáp: Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng Trọng Tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận Trọng Tài, thỏa thuận Trọng Tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình.

Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Hội đồng Trọng Tài tiến hành giải quyết tranh chấp.

Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận Trọng Tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận Trọng Tài không thể thực hiện được thì Hội đồng Trọng Tài quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo ngay cho các bên biết.

 

Câu hỏi 61.

Hỏi: Thẩm quyền xác minh vụ việc của Hội đồng Trọng Tài như thế nào?

Đáp: Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Hội đồng Trọng Tài có quyền gặp và trao đổi với một bên với sự có mặt của bên kia trong hình thức thích hợp để làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp. Hội đồng Trọng Tài có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của một bên hoặc các bên tìm hiểu sự việc từ người thứ ba, với sự có mặt của các bên hoặc sau khi đã thông báo cho các bên biết.

 

Câu hỏi 62.

Hỏi: Hội đồng Trọng Tài có thẩm quyền thu thập chứng cứ không? Và thu thập chứng cứ bằng cách nào?

Đáp: Thẩm quyền và cách thức Hội đồng Trọng Tài thu thập chứng cứ như sau:

1. Theo yêu cầu của một hoặc các bên, Hội đồng Trọng Tài có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp.

2. Hội đồng Trọng Tài có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, có quyền trưng cầu giám định, định giá tài sản trong vụ tranh chấp để làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp. Phí giám định, định giá do bên yêu cầu giám định, định giá tạm ứng hoặc do Hội đồng Trọng Tài phân bổ.

3. Hội đồng Trọng Tài tự mình hoặc yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền tham vấn ý kiền của các chuyên gia. Chi phí chuyên gia do bên yêu cầu tham vấn tạm ứng hoặc do Hội đồng Trọng Tài phân bổ.

 

Câu hỏi 63.

Hỏi: Trường hợp Hội đồng Trọng Tài đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể thu thập được thì có thể nhờ Tòa án hỗ trợ không?

Đáp: Có thể. Hội đồng Trọng Tài có thể gởi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến vụ tranh chấp.

 

Câu hỏi 64.

Hỏi: Văn bản Hội đồng Trọng Tài gởi tới Tòa án đề nghị việc hỗ trợ thu thập chứng cứ phải nêu rõ những nội dung gì?

Đáp: Văn bản đề nghị phải nêu rõ nội dung vụ việc đang giải quyết tại Trọng Tài, chứng cứ cần thu thập, lý do không thu thập được, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý lưu giữ chứng cứ cần thu thập đó.

 

Câu hỏi 65.

Hỏi: Tòa án hỗ trợ việc thu thập chứng cứ như thế nào?

Đáp: Trong thời gian bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu thu thập chứng cứ, Chánh án Tòa án có thẩm quyền phân công một thẩm phán xem xét, giải quyết yêu cầu thu thập chứng cứ, trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và gửi văn bản đó cho Viện Kiểm Sát cùng cấp để thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, Tòa án phải thông báo cho Hội đồng Trọng Tài biết để tiến hành việc giao nhận chứng cứ.

 

Câu hỏi 66.

Hỏi: Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án có bị xử lý không?

Đáp: Trường hợp quá thời hạn quy định mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp chứng cứ theo yêu cầu thì Tòa án phải thông báo ngay cho Hội đồng Trọng Tài biết đồng thời có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Câu hỏi 67.

Hỏi: Hội đồng Trọng Tài có thẩm quyền triệu tập người làm chứng không?

Đáp: Có. Theo yêu cầu của một hoặc các bên và xét cần thiết, Hội đồng Trọng Tài có quyền yêu cầu người làm chứng có mặt tại phiên xử Trọng tài. Chi phí cho người làm chứng do bên yêu cầu triệu tập người làm chứng chịu hoặc do Hội đồng Trọng Tài phân bổ.

 

Câu hỏi 68.

Hỏi: Trường hợp người làm chứng đã được Hội đồng Trọng Tài triệu tập hợp lệ mà không đến phiên xử Trọng Tài nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc giải quyết tranh chấp, Hội đồng Trọng Tài có thể đề nghị Tòa án hỗ trợ không?

Đáp: Có thể. Hội đồng Trọng Tài sẽ gởi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định triệu tập người làm chứng đến phiên xử Trọng Tài của Hội đồng Trọng Tài.

 

Câu hỏi 69.

Hỏi: Văn bản đề nghị phải nêu rõ những nội dung gì?

Đáp: Văn bản đề nghị phải nêu rõ nội dung vụ việc đang được giải quyết tại Trọng Tài, họ, tên, địa chỉ của người làm chứng; lý do triệu tập người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng cần phải có mặt.

 

Câu hỏi 70.

Hỏi: Tòa án hỗ trợ việc triệu tập người làm chứng như thế nào?

Đáp: Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản đề nghị triệu tập người làm chứng của Hội đồng Trọng Tài, Chánh án Tòa án có thẩm quyền phân công một thẩm phán xem xét, giải quyết yêu cầu triệu tập người làm chứng. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải ra quyết định triệu tập người làm chứng.

Quyết định triệu tập người làm chứng phải ghi rõ tên Hội đồng Trọng Tài yêu cầu triệu tập người làm chứng, nội dung tranh chấp, họ, tên, địa chỉ của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt theo yêu cầu của Hội đồng Trọng Tài.

Tòa án phải gửi ngay quyết định này cho Hội đồng Trọng Tài, người làm chứng đồng thời gửi cho Viện Kiểm Sát cùng cấp để thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Người làm chứng có nghĩa vụ nghiêm chỉnh thi hành quyết định của Tòa án.

Chi phí cho người làm chứng do bên yêu cầu triệu tập người làm chứng chịu hoặc do Hội đồng Trọng Tài phân bổ.

 

Câu hỏi 71.

Hỏi: Nguyên đơn trình bày vụ việc và yêu cầu của mình như thế nào?

Đáp: Nguyên đơn trình bày vụ việc và yêu cầu của mình trong Đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện gồm có các nội dung sau đây:

a). Ngày, tháng, năm làm Đơn khởi kiện.

b). Tên, địa chỉ của các bên, tên, địa chỉ của người làm chứng nếu có.

c). Tóm tắc nội dung vụ tranh chấp.

d). Cơ sở và chứng cứ khởi kiện, nếu có.

đ). Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp.

e). Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm Trọng Tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng Tài viên.

Kèm theo Đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận Trọng Tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.

 

Câu hỏi 72.

Hỏi: Bị đơn trình bày vụ việc và yêu cầu của mình như thế nào?

Đáp: Bị đơn trình bày vụ việc và yêu cầu của mình trong Bản tự bảo vệ. Bản tự bảo vệ gồm các nội dung sau đây:

a). Ngày, tháng, năm làm Bản tự bảo vệ.

b). Tên và địa chỉ của bị đơn.

c). Cơ sở và chứng cứ tự bảo vệ, nếu có.

d). Tên và địa chỉ của người được bị đơn chọn làm Trọng Tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng Tài viên.

 

Câu hỏi 73.

Hỏi: Bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn không? Trình tự thủ tục giải quyết đơn kiện lại của bị đơn như thế nào?

Đáp: Bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn về những vần đề có liên quan đến vụ tranh chấp và việc giải quyết đơn kiện lại do Hội đồng Trọng Tài giải quyết đơn khởi kiện của nguyên đơn thực hiện theo trình tự, thủ tục tương tự trình tự, thủ tục giải quyết đơn khởi kiện của nguyên đơn.

 

Câu hỏi 74.

Hỏi: Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng Tài là bao lâu?

Đáp: Trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục Trọng Tài là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

 

Câu hỏi 75.

Hỏi: Các bên có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không và việc yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp có bị coi là sự bác bỏ thỏa thuận Trọng Tài hoặc khước từ quyền giải quyết tranh chấp bằng Trọng Tài không?

Đáp: Các bên có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và việc yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp không bị coi là sự bác bỏ thỏa thuận Trọng Tài hoặc khước từ quyền giải quyết tranh chấp bằng Trọng Tài.

Câu hỏi 76.

Hỏi: Hội đồng Trọng Tài có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp không?

Đáp: Theo yêu cầu của một trong các bên, Hội đồng Trọng Tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời với các bên tranh chấp.

 

Câu hỏi 77.

Hỏi: Những biện pháp khẩn cấp tạm thời là gì?

Đáp: Các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm:

a). Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.

b). Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng Trọng Tài.

c). Kê biên tài sản đang tranh chấp

d). Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên

đ). Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

 

Câu hỏi 78.

Hỏi: Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu một trong các bên đã yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đó lại có đơn yêu cầu Hội đồng Trọng Tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng Trọng Tài có thực hiện không?

Đáp: Không.

 

Câu hỏi 79.

Hỏi: Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chánh không?

Đáp: Có. Trước khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Hội đồng Trọng Tài có quyền buộc bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chánh.

Câu hỏi 80.

Hỏi: Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như thế nào?

Đáp:

1. Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Hội đồng Trọng Tài.

2. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung sau đây:

a). Ngày, tháng, năm làm đơn

b). Tên, địa chỉ của bên có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

c). Tên, địa chỉ của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

d). Tóm tắc nội dung vụ tranh chấp

đ). Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và các yêu cầu cụ thể

Kèm theo đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bên yêu cầu phải cung cấp cho Hội đồng Trọng Tài chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

3. Theo quyết định của Hội đồng Trọng Tài, bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá trị

do Hội đồng Trọng Tài án định tương đương với trị giá thiệt hại có thể phát sinh do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây ra để bảo vệ lợi ích của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá trị được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do Hội đồng Trọng Tài quyết định.

 

Câu hỏi 81.

Hỏi: Trách nhiệm của bên yêu cầu áp dụng biện pháp tạm thời như thế nào?

Đáp: Bên yêu cầu áp dụng biện pháp tạm thời phải chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình. Trong trường hợp bên yêu cầu áp dụng biện pháp tạm thời không đúng và gây ra thiệt hại cho bên kia hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.

 

 

Câu hỏi 82.

Hỏi: Trường hợp nào Nguyên đơn vắng mặt, Hội đồng Trọng Tài vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp?

Đáp: Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên xử Trọng Tài giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên xử Trọng Tài giải quyết tranh chấp mà không được Hội đồng Trọng Tài chấp thuận thì bị coi là đã rút đơn kiện. Trong trường hợp này Hội đồng Trọng Tài tiếp tục giải quyết tranh chấp nếu bị đơn có yêu cầu hoặc có đơn kiện lại.

 

Câu hỏi 83.

Hỏi: Trường hợp bị đơn vắng mặt, Hội đồng Trọng Tài có tiếp tục giải quyết tranh chấp không?

Đáp: Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên xử Trọng Tài giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên xử Trọng tài giải quyết tranh chấp mà không được Hội đồng Trọng Tài chấp thuận thì Hội đồng Trọng Tài vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có.

 

PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI

Câu hỏi 84.

Hỏi: Có phải phán quyết Trọng Tài được Hội đồng Trọng Tài biểu quyết theo nguyên tắc đa số không?

Đáp: Đúng vậy. Hội đồng Trọng Tài ra phán quyết Trọng Tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết Trọng Tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Trọng Tài.

 

Câu hỏi 85.

Hỏi: Phán quyết Trọng Tài có những nội dung gì?

Đáp: Phán quyết Trọng Tài có các nội dung sau:

a). Ngày, tháng, năm và địa chỉ đưa ra phán quyết

b). Tên, địa chỉ của nguyên đơn và bị đơn

c). Họ, tên, địa chỉ của Trọng Tài viên

d). Tóm tắc đơn khởi kiện và các vấn đề tranh chấp

đ). Căn cứ để ra phán quyết, trừ khi có thỏa thuận không cần nêu căn cứ trong phán quyết

e). Kết quả giải quyết tranh chấp

g). Thời hạn thi hành phán quyết

h). Phân bổ chi phí Trọng Tài và các chi phí khác có liên quan

i). Chữ ký của các Trọng Tài viên

 

Câu hỏi 86.

Hỏi: Khi có Trọng Tài viên không ký tên vào phán quyết Trọng Tài, phán quyết Trọng Tài có giá trị pháp lý không?

Đáp: Khi có Trọng Tài viên không ký tên vào phán quyết Trọng Tài, Chủ tịch Hội đồng Trọng Tài phải ghi việc này trong phán quyết Trọng Tài và nêu rõ lý do trong trường hợp này, phán quyết Trọng Tài trong trường hợp này vẫn có hiệu lực.

 

Câu hỏi 87.

Hỏi: Khi nào phán quyết Trọng Tài được ban hành?

Đáp: Phán quyết Trọng Tài được ban hành ngay tại phiên xử Trọng Tài hoặc chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên xử Trọng Tài.

 

THI HÀNH PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI

Câu hỏi 88.

Hỏi: Thủ tục yêu cầu thi hành phán quyết Trọng Tài như thế nào?

Đáp: Hết thời hạn thi hành phán quyết Trọng Tài mà bên phải thi hành phán quyết Trọng Tài không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu hủy phán quyết Trọng Tài, bên được thi hành phán quyết Trọng Tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết Trọng Tài.

 

Câu hỏi 89.

Hỏi: Trong những trường hợp nào phán quyết Trọng Tài bị hủy?

Đáp: Phán quyết Trọng Tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a). Không có thỏa thuận Trọng Tài hoặc thỏa thuận Trọng Tài vô hiệu.

b). Thành phần Hội đồng Trọng Tài, thủ tục tố tụng Trọng Tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với quy định của Luật Trọng Tài thương mại 2010.

c). Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng Tài; trường hợp phán quyết Trọng Tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng Tài thì nội dung đó bị hủy.

d). Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng Trọng Tài căn cứ vào đó để ra phán quyết Trọng Tài là giả mạo. Trọng Tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết Trọng Tài.

đ). Phán quyết Trọng Tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

 

Câu hỏi 90.

Hỏi: Đơn yêu cầu hủy phán quyết Trọng Tài gồm những nội dung gì?

Đáp:

1. Đơn yêu cầu hủy phán quyết Trọng Tài có các nội dung chủ yếu sau đây:

a). Ngày, tháng, năm làm đơn.

b). Tên và địa chỉ của các bên có yêu cầu.

c). Yêu cầu và căn cứ hủy phán quyết Trọng Tài.

2. Kèm theo đơn yêu cầu phải có các giấy tờ sau đây:

a). Bản chính hoặc bản sao phán quyết Trọng Tài đã được chứng thực hợp lệ.

b). Bản chính hoặc bản sao thỏa thuận Trọng Tài đã được chứng thực hợp lệ.

Giấy tờ kèm theo đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được chứng thực hợp lệ.

 

Câu hỏi 91.

Hỏi: Thủ tục tòa án xem xét yêu cầu hủy phán quyết Trọng Tài như thế nào?

Đáp: Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Chánh án Tòa án chỉ định một Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm ba Thẩm phán, trong đó có một Thẩm phán làm chủ tọa theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được chỉ định, Hội đồng xét đơn yêu cầu phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu hủy phán quyết Trọng Tài. Tòa án phải chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm Sát cùng cấp nghiên cứu trong thời hạn bảy ngày làm việc trước ngày mở phiên họp để tham dự phiên họp của Tòa án xét đơn yêu cầu. Hết thời hạn này, Việm Kiểm Sát phải gửi trả lại hồ sơ cho Tòa án để mở phiên họp xem xét đơn yêu cầu.

 

Câu hỏi 92.

Hỏi: Thành phần tham dự phiên họp xem xét yêu cầu hủy phán quyết Trọng Tài gồm những ai?

Đáp: Phiên họp được tiến hành với sự có mặt của các bên tranh chấp, luật sư của các bên nếu có, Kiểm Sát viên Viện Kiểm Sát cùng cấp.

 

Câu hỏi 93.

Hỏi: Trường hợp một trong các bên yêu cầu Hội đồng xét đơn vắng mặt hoặc đã được triệu tập mà vắng mặt không lý do chính đáng hoặc rời phiên họp mà không được Hội đồng chấp nhận thì Hội đồng có tiến hành xét đơn yêu cầu hủy phán quyết Trọng Tài không?

Đáp: Hội đồng vẫn tiếp tục tiến hành xét đơn yêu cầu hủy phán quyết Trọng Tài.

 

Câu hỏi 94.

Hỏi: Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng có xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng Trọng Tài đã giải quyết?

Đáp: Không. Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết Trọng Tài không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng Trọng Tài đã giải quyết.

 

Câu hỏi 95.

Hỏi: Ngoài việc Hội đồng xét đơn yêu cầu có quyền ra quyết định hủy hoặc không hủy phán quyết Trọng Tài, trong trường hợp nào Hội đồng ra quyết định đình chỉ việc xem xét đơn yêu cầu?

Đáp: Trường hợp bên yêu cầu hủy phán quyết Trọng Tài rút đơn hoặc đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không lý do chính đáng hoặc rời phiên họp mà không được Hội đồng chấp nhận thì Hội đồng ra quyết định đình chỉnh việc xét đơn theo yêu cầu.

 

Câu hỏi 96.

Hỏi: Trong trường hợp nào Hội đồng xét đơn có thể tạm đình chỉ việc xem xét giải quyết yêu cầu hủy phán quyết Trọng Tài để tạo điều kiện cho Hội đồng Trọng Tài khắc phục sai sót tố tụng Trọng Tài?

Đáp: Theo yêu cầu của một bên và xét thấy phù hợp, Hội đồng xét đơn yêu cầu có thể tạm đình chỉ việc xem xét giải quyết yêu cầu hủy phán quyết Trọng Tài trong thời hạn không quá sáu mươi ngày để tạo điều kiện cho Hội đồng Trọng Tài khắc phục sai sót tố tụng Trọng Tài theo quan điểm của Hội đồng Trọng Tài nhằm loại bỏ căn cứ hủy phán quyết Trọng Tài. Hội đồng Trọng Tài phải thông báo cho Tòa án biết về việc khắc phục sai sót tố tụng. Trường hợp Hội đồng Trọng Tài không tiến hành khắc phục sai sót tố tụng thì Hội đồng tiếp tục xét đơn yêu cầu hủy phán quyết Trọng Tài.

 

Câu hỏi 97.

Hỏi: Quyết định của Tòa án hủy phán quyết Trọng Tài là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành nhưng các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng Tài hoặc một bên có quyền khởi kiện tại Tòa án không?

Đáp: Các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết trước Trọng Tài hoặc một bên có quyền khởi kiện tại Tòa án.

 

Câu hỏi 98.

Hỏi: Công Ước New York là gì?

Đáp: Đó là Công Ước Liên Quốc về công nhận và thi hành phán quyết Trọng Tài nước ngoài, ký tại New York năm 1958, quy định nền tảng cho việc thi hành phán quyết Trọng Tài ngoài lãnh thổ quốc gia. Có 150 nước tham gia Công Ước, mỗi quốc gia cam kết công nhận và thi hành các phán quyết Trọng Tài tại các nước thành viên.

 

Câu hỏi 99.

Hỏi: Các phán quyết Trọng Tài tuyên tại các nước thành viên Công Ước New York được thi hành ở Việt Nam như thế nào?

Đáp: Bởi vì Việt Nam đã tham gia Công Ước New York nên các phán quyết Trọng Tài tuyên tại các nước thành viên Công Ước New York sẽ được thi hành tương tự như các phán quyết Trọng Tài đã tuyên tại Việt Nam.

 

Câu hỏi 100.

Hỏi: Các phán quyết Trọng Tài đã tuyên tại Việt Nam sẽ được thi hành tại các nước thành viên Công Ước New York như thế nào?

Đáp: Các phán quyết Trọng Tài đã tuyên tại Việt Nam sẽ được thi hành tại tất cả 150 nước thành viên Công Ước New York tương tự như những phán quyết Trọng Tài đã tuyên tại các nước đó.

Chia sẻ

In trang này     Email trang này
 SỐ LƯỢT TRUY CẬP

557,122

TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ THÁI BÌNH DƯƠNG (PIAC)

Địa chỉ: 39 Đường số 5, Cư Xá Bình Thới, P.8, Q.11, Tp.Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 3962 7401 - Fax: (028) 3962 6500 - Email: piac.vnn@gmail.com