English    Japanese

 :: 26 April 2024   ..:: Nghiên cứu-Trao đổi ::.. Đăng nhập 

Xem chi tiết

TỐ TỤNG TRỌNG TÀI TẠI TÒA ÁN TRỌNG TÀI QUỐC TẾ ICC
(Cập nhật: 05/03/2015 09:03:17)

TỐ TỤNG TRỌNG TÀI TẠI TÒA ÁN TRỌNG TÀI QUỐC TẾ ICC

Châu Huy Quang/ Logan Leung (Rajah & Tann LCT Lawyers) 

Quy tắc của Tòa án Trọng tài Thương mại Quốc tế ICC (phiên bản mới nhất năm 2012) ("Quy tắc ICC") điều chỉnh thủ tục và quy trình giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài của Tòa án ICC Trọng tài Thương mại Quốc tế ("Tòa án ICC") - từ bắt đầu cho đến khi kết thúc.

Thành lập từ những năm 1923, Tòa án ICC duy trì vị trí là trung tâm trọng tài có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu. Theo trang web chính thức của ICC, có 791 vụ việc được nộp lên ICC chỉ trong năm 2014. Sức ảnh hưởng này được minh chứng thông qua việc 791 vụ thụ lý này liên quan đến các bên đến từ 140 nước và vùng lãnh thổ độc lập và địa điểm trọng tài đặt ở 57 quốc gia trên thế giới.

Trong xu thế toàn cầu hóa, nhiều nước đang bước đầu áp dụng tố tụng trọng tài, trong đó doanh nghiệp Việt Nam cũng đang dần tiếp cận với tố tụng trọng tài theo Quy tắc ICC. Bài viết nhằm mục đích cung cấp cái nhìn tổng quát về quy trình tố tụng này.

Hậu trường

Trước tiên, việc mô tả ngắn gọn việc áp dụng Quy tắc ICC là cần thiết.

Trọng tài ICC được Tòa án ICC áp dụng với thẩm quyền được quy định theo Quy tắc ICC. Một số thẩm quyền của Tòa án ICC bao gồm quyết định địa điểm trọng tài, chỉ định và quyết định không thừa nhận đối với trọng tài viên, giám sát quá trình giải quyết bằng trọng tài nhằm đảm bảo quá trình giải quyết đó tuân theo Quy tắc ICC và xem xét đưa ra phán quyết chung thẩm. Tự thân Tòa án ICC không giải quyết tranh chấp, đó là nhiệm vụ của Hội đồng Trọng tài (“HĐTT”), Tòa án ICC giữ vai trò kết nối giữa các bên và HĐTT, tiếp cận áp dụng Quy tắc ICC. Tòa án ICC giữ  liên kết để đảm bảo rằng quyết định của trọng tài có hiệu lực thông qua chức năng xem xét, giám sát quyết định trọng tài cùng các chức năng khác.

Việc thực hiện các chức năng trên của Tòa án ICC được thực hiện thông qua Ban Thư ký bao  gồm trên 80 luật sư và nhân viên hỗ trợ và có thể giao tiếp khoảng 25 ngôn ngữ. Ban Thư ký được chia thành 8 "nhóm giải quyết tranh chấp" và mỗi trọng tài ICC thường được chuyên môn hóa trong một nhóm giải quyết tranh chấp.

Yêu cầu tố tụng trọng tài

Tố tụng trọng tài được bắt đầu khi nguyên đơn nộp Đơn yêu cầu tố tụng trọng tài cho Ban Thư ký  ICC theo Điều 4 của Quy tắc ICC. Sau khi nhận được phiếu tiếp nhận Đơn yêu cầu tố tụng trọng tài của Ban thư ký, quá trình tố tụng trọng tài sẽ được xem như đã bắt đầu.

Chi phí hành chính tiếp nhận hồ sơ của ICC là 3.000 USD sẽ phải được thanh toán cùng lúc với việc nộp Đơn yêu cầu tố tụng trọng tài.

Đơn yêu cầu tố tụng trọng tài phải đưa ra những thông tin chi tiết cần thiết bao gồm nhưng không giới hạn đến chi tiết của các bên và đại diện của mình, mô tả tranh chấp, yêu cầu đòi bồi thường, thỏa thuận trọng tài, điều khoản chỉ định trọng tài viên, và tất cả những thông tin liên quan đến nơi giải quyết, luật áp dụng và ngôn ngữ trọng tài.

Phản hồi yêu cầu tố tụng trọng tài

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày Ban Thư ký nhận được Đơn yêu cầu tố tụng trọng tài, Bị đơn sẽ được yêu cầu nộp Bản trả lời theo Đơn kiện của nguyên đơn (và cũng bao gồm cả đơn kiện lại) theo Điều 5 Quy tắc ICC. Tuy nhiên, Ban Thư ký có thể gia hạn cho bị đơn.

Nội dung của Bản trả lời tương tự như nội dung của Đơn yêu cầu tố tụng trọng tài. Đơn kiện lại của bị đơn có thể được bao gồm trong Bản trả lời.

Chỉ định Trọng tài viên

Số lượng trọng tài viên được quyết định bởi thoả thuận của các bên trong thỏa thuận trọng tài của mình (HĐTT gồm 1 hoặc 3 trọng tài viên). Theo Điều 12 Quy tắc ICC, nếu hai bên không thống nhất số lượng trọng tài viên, Tòa án ICC sẽ chỉ định một trọng tài viên duy nhất trừ phi khi thấy rằng cần thiết phải chỉ định 3 trọng tài viên.

Trong trường hợp một hay nhiều trọng tài viên không thể được chỉ định, Toà sẽ chỉ định trọng tài viên khác. Điều này bao gồm cả việc chỉ định Chủ tịch HĐTT trong trường hợp hai bên không có cơ chế về việc chỉ định Chủ tịch HĐTT.

Xét thấy vì Tòa án ICC có quyền chỉ định các trọng tài viên như trường hợp trên, Điều 13.1 của Quy tắc ICC yêu cầu Tòa án ICC phải cân nhắc quốc tịch, nơi cư trú và các mối quan hệ khác với các nước mà các bên và các trọng tài viên là công dân, khả năng có thể tham gia và năng lực của Trọng tài viên trước khi chỉ định.

Đối với chỉ định trọng tài viên duy nhất hoặc Chủ tịch HĐTT, trọng tài viên được chỉ định sẽ không có quốc tịch giống các bên trừ các trường hợp khác phát sinh.

Điều khoản Tham chiếu (TOR)

Theo Điều 23 của Quy tắc ICC, sau khi nhận được hồ sơ đơn kiện từ Ban Thư ký gửi đến, HĐTT sẽ soạn thảo một văn bản gọi là "Bản Ðiều khoản Tham chiếu" (TOR) dựa trên các văn bản giải trình của các bên trong vòng hai tháng (có thể dài hơn trong trường hợp được HĐTT gia hạn).

TOR là văn bản độc nhất trong tố tụng trọng tài được phân xử theo Quy tắc ICC. Nó bao gồm một thoả thuận được ký giữa các bên và các trọng tài viên về những vấn đề liên quan đến thông tin chi tiết về các bên và các thông báo, tóm tắt luận cứ và yêu cầu đòi bồi thường của các bên, một danh sách vấn đề phải được giải quyết (nếu phù hợp), địa điểm trọng tài và các vấn đề tố tụng khác (nếu cần thiết).

TOR hoạt động theo thoả thuận vì mục đích của quy trình tố tụng trọng tài. Do đó, ngay sau khi các bên kí TOR, không bên nào được đưa ra khiếu kiện mới năm  ngoài giới hạn của TOR trừ phi được HĐTT cho phép sau khi xem xét bản chất của yêu cầu khởi kiện mới, giai đoạn trọng tài và các vấn đề khác liên quan.

Thực hiện Tố tụng Trọng tài và Quản lý vụ việc

Vì mục đích giải quyết vụ việc và đảm bảo việc thực hiện quy trình tố tụng trọng tài được đưa ra, Điều 24 của Quy tắc ICC yêu cầu sau khi TOR được ký, HĐTT tổ chức "phiên họp điều hành vụ việc” để lấy ý kiến các bên về thủ tục thực hiện tố tụng trọng tài. Nó có thể bao gồm (nhưng không giới hạn) việc thảo luận về những vấn đề như phân chia quá trình giải quyết, thời gian nộp hồ sơ, phương thức liên lạc, nghe các bên trình bày một cách không có giá trị chứng cứ và quy trình tiết lộ/xác minh.

Liên quan đến việc nộp tài liệu, Quy tắc ICC chỉ yêu cầu Đơn kiện và Bản phúc đáp tương ứng.  Tuy nhiên, Uỷ ban thường yêu cầu nộp thêm các văn bản tiếp sau đó (Đơn Khởi kiện, Bản tự bảo vệ, Hồi đáp, Phản tố…) phát sinh trong phiên họp điều hành vụ việc.

Trong hoặc sau phiên họp này, HĐTT sẽ lập thời gian biểu tiến hành tố tụng để thực hiện tố tụng trọng tài. Lịch trình này được chuyển đến Tòa án ICC.

Các phiên họp điều hành vụ việc hoặc tiêu chuẩn đánh giá tố tụng sau đó có thể sẽ được Hội đồng Trọng tài thông qua (sau khi tham khảo ý kiến các bên) để đảm bảo việc xử lý vụ việc có hiệu quả.

Kết thúc Tố tụng Trọng tài và Ban hành phán quyết

Sau khi tiến hành phiên họp cuối cùng liên quan đến những vấn đề được quyết định trong phán quyết, HĐTT sẽ tuyên bố kết thúc tố tụng trọng tài theo Điều 27 Quy tắc ICC. Sau tuyên bố này, không có bất kì đệ trình/tranh luận và bằng chứng nào được đưa ra thêm.

Theo Điều 30 của Quy tắc ICC, phán quyết cuối cùng được đưa ra trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày các bên ký TOR và có thể gia hạn. Tuy nhiên, Quy tắc ICC cho phép một khoảng thời gian ban hành phán quyết linh hoạt hơn dựa trên quyết định của HĐTT hoặc phần lớn dựa trên sự đồng thuận của các bên. Theo đó các bên có thể ấn định một khoảng thời gian khác dựa vào thời gian biểu quy trình tố tụng đã được thiết lập (xem ở trên). Tòa án ICC có thể gia hạn thời gian nếu có yêu cầu hợp lý từ HĐTT.

Sau khi thông báo kết thúc thủ tục tố tụng trọng tài, HĐTT sẽ thông báo cho Ban Thư ký  ngày mà HĐTT nộp bản thảo phán quyết để xin sự đồng ý của Tòa án ICC. Theo tố tụng trọng tài ICC, tất cả phán quyết được xem xét và phải được chấp thuận theo mẫu của Tòa án bởi Tòa án ICC. Tòa án ICC có thể đưa ra điều chỉnh về mẫu cũng như các lưu ý cho HĐTT về một số vấn đề cốt lõi. Giai đoạn xem xét phán quyết là một cơ chế đảm bảo rằng phán quyết được đưa ra tuân thủ theo mẫu, do đó hạn chế nguy cơ các phán quyết bị cơ quan tòa án có thẩm quyền của quốc gia thanh viên có thể huỷ bỏ hoặc không được công nhận và cho thi hành theo Công ước New York 1958.

 


Tin - Bài khác
Page 1 of 1First   Previous   [1]  Next   Last   
 SỐ LƯỢT TRUY CẬP

543,322

TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ THÁI BÌNH DƯƠNG (PIAC)

Địa chỉ: 39 Đường số 5, Cư Xá Bình Thới, P.8, Q.11, Tp.Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 3962 7401 - Fax: (028) 3962 6500 - Email: piac.vnn@gmail.com