Hội Nghị Các Trọng Tài Viên PIAC
Ngày 11 tháng 01 năm 2015
Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc tế Thái Bình Dương đã họp Hội Nghị các Trọng tài Viên lần thứ nhất năm 2015 để thông báo về một số công việc PIAC đã thực hiện được trong năm 2014 và trao đổi một số định hướng hoạt động của PIAC trong năm 2015.
Các Trọng tài viên đã thống nhất đánh giá: hoạt động của PIAC trong năm 2014 đã có một số tiến bộ bước đầu nhưng chưa mạnh mẽ. Trong năm 2015 cần phải có những bước đột phá có tính chất bước ngoặt để tạo điều kiện PIAC phát triển mạnh mẽ.
Nên Hội Nghị đã tập trung phân tích những thử thách mà PIAC đang đối mặt và cần phải quyết tâm vượt qua và những điều kiện thuận lợi mà PIAC phải triệt để khai thác.
Những thách thức:
1. Các doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về những ưu thế vượt trội của việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài so với Tòa án.
2. Việc tuyên truyền, giới thiệu của PIAC về Trọng tài và về mình không thiết thực và cụ thể nghĩa là PIAC chưa tập trung vào các đối tượng cần phải tác động mạnh mẽ để họ thay đổi nhận thức và hành động, để họ ủng hộ việc giải quyết bằng trọng tài như cộng đồng doanh nghiệp trong nước, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, các tổ chức hành nghề luật sư, các luật sư trong nước, các chi nhánh công ty luật nước ngoài và các luật sư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Nghĩa là công tác tuyên truyền, giới thiệu của PIAC rất yếu.
3. Bộ máy điều hành của PIAC không ổn định.
Nhưng thuận lợi
1. Nước ta đang hội nhập kinh tế sâu với khu vực và thế giới: Việt Nam sẽ ký kết Hiệp Định TPP, Hiệp Định Thương mại với EU và các Hiệp định Thương mại tự do với các nước khác. Nên việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài sẽ trở thành một xu thế mạnh mẽ.
Thực tế đó cho thấy càng mở rộng việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thì càng mở rộng phạm vi hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Hiện nay đã có những luật sư nước ngoài tham gia bảo vệ quyền lợi của các bên tranh chấp ở các phiên xử trọng tài tại việt Nam và ngược lại đã có những luật sư Việt Nam ra nước ngoài bảo vệ quyền lợi cho các bên tranh chấp ở các phiên xử trọng tài ở các nước.
Trong khi đó luật sư Việt Nam không thể ra nước ngoài để bảo vệ quyền lợi cho các bên tranh chấp tại các tòa án các nước và luật sư nước ngoài cũng không được phép bảo vệ quyền lợi các bên tranh chấp tại Tòa án Việt Nam.
2. Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 đã mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động trọng tài thương mại tại Việt Nam so với Pháp lệnh Trọng Tài Thương Mại 2003.
Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 đã có những quy định cụ thể rất thuận lợi cho hoạt động trọng tài như về thẩm quyền xét xử của Trọng tài, biện pháp khẩn cấp tạm thời, việc thi hành phán quyết trọng tài.
Luật trọng Tài Thương Mại 2010 đã thừa nhận một cách mạnh mẽ rằng người nước ngoài có thể hoạt động với tư cách những trọng tài viên ở Việt Nam. Người nước ngoài có thể tham gia các hội đồng trọng tài của các trung tâm trọng tài. Họ có thể được chỉ định bởi các bên tranh chấp, các trung tâm trọng tài và Tòa án. Họ có thể xét xử trọng tài tại Việt Nam. Nghĩa là vị trí, vai trò của các trọng tài viên nước ngoài và trọng tài viên trong nước được coi ngang nhau.
Điều này có những hiệu quả cơ bản đối với hoạt động trọng tài tại Việt Nam.
Thứ nhất, các bên tranh chấp tin rằng kết quả giải quyết vụ việc của họ sẽ đúng đắn. Những trọng tài viên nước ngoài sẽ mang lại những kinh nghiệm và kiến thức chuyên ngành cho hội đồng trọng tài, giúp hội đồng trọng tài có được một quyết định đúng đắn.
Thứ hai, các bên tranh chấp cảm thấy công lý được bảo đảm, không chỉ được thực hiện nhưng cũng được nhìn thấy được thực hiện. Trước đây phần lớn các vụ việc trọng tài giữa một bên Việt Nam và một bên nước ngoài thì hội đồng trọng tài gồm 02 hoặc 03 trọng tài viên Việt Nam, nên không tránh được cảm giác có sự thiên vị đối với bên Việt Nam. Nếu quyết định có lợi cho bên Việt Nam thì rất khó để bên nước ngoài không cảm giác có sự thiên vị cho dù vụ việc tranh chấp đã được giải quyết đúng theo thực tế của vụ việc đó.
Nhưng nay theo Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 hội đồng trọng tài có thể gồm 02 hoặc cả 03 trọng tài viên nước ngoài nên cảm giác có sự thiên vị trên không còn nữa. Công lý được nhìn thấy được thực hiện.
Thứ ba, các bên ký kết hợp đồng, đặc biệt các bên ký kết hợp đồng nước ngoài cảm thấy thuận lợi trong việc chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam. Trước đây các bên ký kết hợp đồng nước ngoài phần lớn yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ở nước ngoài để tránh được những giới hạn của luật pháp trọng tài của Việt Nam. Nay những giới hạn đó đã được loại bỏ, nên các bên ký kết nước ngoài cảm thấy thuận lợi trong việc chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam.
Thứ tư, đối với các trọng tài viên trong nước, đây là cơ hội để họ làm việc và học hỏi từ các trọng tài viên nước ngoài. Cũng như việc cho phép luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam đã có những tác động cơ bản đến hoạt động luật sư trong nước. Chúng ta có cơ sở để tin rằng 5 hoặc 10 năm nữa Việt Nam sẽ có một thế hệ trọng tài viên hoạt động ngang tầm với các trọng tài viên nước ngoài. Chất lượng hoạt động trọng tài chắc chắn sẽ được nâng lên.
Thứ năm, đối với các trung tâm trọng tài trong nước trong đó có PIAC sẽ có nhiều vụ việc. Càng có nhiều bên ký kết hợp đồng chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các trung tâm trọng tài càng có nhiều vụ việc, càng có nhiều thu nhập, càng có nhiều kinh nghiệm và uy tín sẽ tăng lên.
Cuối cùng, các trọng tài nước ngoài và luật sư nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội tham gia hoạt động trọng tài tại Việt Nam.
3. Cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam rất đông đảo, khối lượng hợp đồng họ ký kết rất lớn, nếu họ đưa điều khoản trọng tài mẫu vào hợp đồng thì nguồn vụ việc tiềm năng của các trung tâm trọng tài thương mại trong đó có PIAC sẽ vô cùng dồi dào.
4. Riêng PIAC từ khi thành lập năm 2006 đến nay đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm: thành công cũng có, thất bại cũng có, nhưng tất cả những kinh nghiệm này đều rất quí để PIAC có cơ sở vạch ra những định hướng hoạt động phù hợp và có hiệu quả trong tương lai.
NGƯỜI GIỚI THIỆU.
|